Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Xăng dầu đã "ngấm" vào lạm phát

Đợt tăng giá xăng dầu cuối tháng 6 đã tác động mạnh đến chỉ số giá của nhóm giao thông, qua đó khiến CPI tháng 7 tăng 0,27% so tháng 6. Lần tăng giá xăng tối 17/7 sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 8.


Xăng dầu đã ngấm vào lạm phát
Giữa lúc tồn kho trong nước dâng cao song, xăng dầu tăng giá vẫn có thể khiến tình trạng "té nước theo mưa" của tiểu thương quay trở lại.

Tổng cục Thống kê sáng nay vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 với mức tăng so tháng trước là 0,27%, đưa lạm phát cả nước so thời điểm tháng 12/2012 lên mức 2,68%.

Tính so cùng kỳ tháng 7/2012, CPI tăng tới 7,29% và mức tăng 7 tháng đầu năm so cùng kỳ đạt 6,81%.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng, hầu hết tất cả các mặt hàng thuộc rổ tính giá đều tăng so tháng 6, duy có lương thực giảm 0,3%. Tuy vậy, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống nói chung vẫn tăng nhẹ 0,1% do sự tác động của nhóm thực phẩm tăng 0,18% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,2%.

Mức tăng mạnh nhất và nổi bật nhất trong tháng nằm ở chỉ số giá của nhóm giao thông. So với tháng 6, chỉ số giá nhóm hàng này tăng đến 1,34%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đẩy ở giá xăng dầu. Thời gian gần đây, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp 2 lần, lần gần nhất vào 17/7. Song đợt tăng ngày 17/7 sẽ ảnh hưởng tới CPI tháng 8 do kỳ tính của tháng 7 chỉ đến hết ngày 15/7.

Ảnh hưởng đến CPI tháng 7 chủ yếu từ đợt tăng giá xăng dầu thực hiện vào cuối tháng 6 với mức tăng ở mức 360 đồng/lít đối với giá xăng và 370 đồng/lít đối với giá dầu diezen. Còn đợt tăng tối 17/7 với các mức 420-470 đồng/lít dự kiến đóng góp vào mức tăng CPI tháng 8 khoảng 0,15% so với tháng 7.

Tại các địa phương, tác động do tăng giá xăng dầu đến chỉ số giá giao thông và CPI thể hiện rất rõ rệt. Cụ thể, chỉ số giá giao thông ở Hà Nội tăng 1,15%, TPHCM tăng 1,3%, Thái Nguyên và Hải Phòng cùng tăng 1,13% và Thừa Thiên - Huế tăng 1,28%.

Điều đáng lo ngại là mặc dù giá xăng dầu tăng được lý giải do diễn biến của giá thế giới, song không chỉ những ngành hàng bị tác động trực tiếp như giao thông mà kể cả với những mặt hàng khác, tiểu thương thường "tát nước theo mưa", gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh giá gas đầu tháng 7 tăng khoảng 13.000 đ/bình loại 12kg và giá dầu hoả tăng tăng 300 đ/lít vào cuối tháng 6 đã khiến chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,43% so với tháng trước, biên độ tăng cao hơn những mặt hàng còn lại.

Một số mặt hàng khác cũng có chỉ số giá tăng do tính chất mùa vụ như văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,31%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%... Nhóm bưu chính viễn thông đứng giá, trong khi các tháng trước đều có chỉ số giá giảm.

Trong điều kiện chỉ số CPI vẫn đang được kiềm giữ ở mức thấp so với mục tiêu cả năm dưới 6,8% song với dư địa còn lại, nếu tất cả các dịch vụ công đều tăng giá thì sẽ rất nguy hiểm. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã nâng dự báo lạm phát Việt Nam trong 2013 lên cao. Mới đây, WorldBank thậm chí cho rằng, CPI của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 8,2%.

Theo nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long, “Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, cần tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới”.

Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng tháng 7 giảm mạnh 6,28% so với tháng 6 trong khi chỉ số giá USD tăng 0,68%.
(ngọc diệp - dân trí)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét